Hồ sơ
Trần Văn Bằng
Sơ yếu lý lịch
-
Quá trình học tập:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh
-
Trình độ:
Thạc sĩ Sinh thái học
-
Kinh nghiệm làm việc:
Từ năm 2012-Nay: Nghiên cứu viên
-
Công việc hiện tại:
Nghiên cứu viên
-
Nơi làm việc:
Viện Sinh thái học Miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
-
Điều mà anh/ chị yêu thích nhất ở khoa học là gì?: Được thỏa sức tìm hiểu về thế giới tự nhiên, được tự do trong suy nghĩ và cách làm việc của bản thân để thấy được cái hay của tự nhiên.
-
Giới thiệu bản thân
Mình thích công việc mang tính sáng tạo và thích được thực hiện các ý tưởng của bản thân. Mình thích ngồi quán café để làm việc.
-
Xem thêm
Mình được sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, nơi mà các bạn có thể thấy những cánh đồng cà phê, tiêu và những cánh rừng bát ngàn. Mình vào học trường Khoa học tự Nhiên, chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường vào năm 2005 và được nhận vào làm công việc hiện tại từ năm 2009, sau đó lấy được bằng Thạc Sĩ vào năm 2013.
Mình đã được đi thăm 05 nước trong khu vực Đông Nam Á, đi thăm Đài Loan, Nhật, Trung Quốc và Châu Âu. Đó là những trải nghiệm quý báu mà bản thân mình được có được.
-
Về công việc của anh/chị
Công việc mở đầu cho các công việc tiếp theo là xác định được tên gọi của loài động vật. Tiếp đó, quan sát, ghi chép, thu thêm thông tin về môi trường sống của chúng để biết cách mà chúng sinh sống, tương tác với môi trường.
-
Xem thêm
Công việc nghiên cứu của mình có liên hệ mật thiết với môi trường tự nhiên, nơi các loài động vật sống. Mình thường đi nghiên cứu tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn của Việt Nam để xác định có bao nhiêu loài động vật, bao nhiêu loài cần được bảo tồn và số lượng cá thể cũng như những nơi nào có thể tìm được chúng trong tự nhiên. Mình cũng thường bắt các loài động vật về bảo tàng, đo đếm, chụp ảnh các đặc điểm cơ thể để giúp biết được đó là loài động vật nào. Một loài nào đó mà chưa từng được mô tả trước đây có thể sẽ là một loài mới cho khoa học và công việc của mình là xác minh xem nó có thực sự mới không. Nếu phải, đó sẽ là một loài mới và mình được đặt tên cho loài giống như mình khai sinh ra loài vậy.
Bên cạnh đó, mình còn tìm hiểu và nghiên cứu thêm về cách mà chúng sống trong tự nhiên như chúng ăn những loại thức ăn nào, ăn khi nào và chúng hoạt động như thế nào. Những hoạt động như kiếm ăn, đi lại, các hoạt động tương tác với những cá thể khác là những tập tính mà những nhà nghiên cứu về động vật tự nhiên như mình rất quan tâm. Công việc nghiên cứu hiện tại tạo ra cơ hội đi lại và giao lưu quốc tế nhiều.
-
Một ngày bình thường của anh/chị
Một ngày bình thường ở cơ quan là xem xét mẫu vật của động vật, phân tích dữ liệu trong khi một ngày bình thường ở thực tế là quan sát, ghi dữ liệu và chụp ảnh động vật.
-
Xem thêm
Một ngày bình thường của mình có thể được tách thành một ngày làm việc ở cơ quan và một ngày làm việc ngoài thực địa hay ngoài môi trường tự nhiên. Ở cơ quan, một ngày làm việc bình thường là buổi sáng nói chuyện và thảo luận cùng đồng nghiệp trước khi tiếp tục tìm hiểu thêm về động vật từ mẫu vật thu thập được, từ tài liệu. Tiếp đó, có thể dành thời gian để phân tích dữ liệu thu thập được. Buổi trưa thường kết thúc nhanh với bữa cơm nhanh cùng đồng nghiệp trong cơ quan. Vào buổi chiều, các công việc có thể tương tự buổi sáng hoặc có thể thảo luận thêm với đồng nghiệp, đôi khi là các cuộc họp trao đổi khoa học với nhau để phát triển ý tưởng nghiên cứu. Một ngày làm việc kết thúc thường vào 5 giờ chiều nhưng công việc có thể tiếp tục được làm vào buổi tối.
Một ngày ở ngoài thực địa thường bắt đầu từ sáng sớm để đi quan sát động vật, kết thúc buổi trưa bằng một bữa ăn ven suối trước khi tiếp tục công việc vào buổi chiều. Ban đêm, quan sát các loài hoạt động vào ban đêm như ếch nhái cũng đem lại nhiều điều thú vị. Máy ảnh, thiết bị ghi chép là hai dụng cụ luôn được mình mang theo khi đi thực địa. Kết thúc một ngày làm việc ở thực địa thường là một giấc ngủ ngon trong một chiếc võng mắc trong trại ven suối hoặc là trên một chiếc giường của cán bộ kiểm lâm.
-
Anh/chị sẽ làm gì với giải thưởng Khoa học Trường học
Mang đời sống động vật đến với học sinh
-
Xem thêm
Ý tưởng này bắt nguồn từ cơ sở là chúng ta sống gắn bó với môi trường tự nhiên nơi không chỉ con người mà còn nhiều loài động vật cùng sinh sống, chia sẻ môi trường chung. Ý tưởng này sẽ giúp các em học sinh có cơ hội quan sát, tiếp xúc và biết nhiều hơn về các loài động vật xung quanh chúng ta, biết nhiều hơn về cách mà động vật xung quan chúng ta sinh sống. Những hoạt động được đề xuất để các em học sinh thực hiện như quan sát ghi nhận lại các loài động vật khác nhau trong một khu vực nhất định, quan sát địa điểm mà chúng sinh sống, kiếm ăn; quan sát và ghi chép các hoạt động của một hay vài đối tượng mà chúng quan tâm.
Các buổi học thực tế của học sinh sẽ được thiết kế với nội dung đơn giản, dễ hình dung và ghi nhận theo từng lứa tuổi. Mỗi một bài học sẽ là một cơ hội để học sinh làm quen với cách nghiên cứu về động vật, cách quan sát, ghi chép thông tin khoa học. Từ đó, giúp hình dung được công việc nghiên cứu liên quan đến động vật ngoài tự nhiên.
-
Phần phỏng vấn
-
Điều gì hoặc ai là nguồn cảm hứng và động lực để anh/chị trở thành nhà khoa học?
Tham gia các hoạt động nghiên cứu cùng thầy cô khi đang là sinh viên đã giúp mình tiếp cận với khoa học.
Môn học yêu thích của anh/chị là môn nào?
Các môn học về tự nhiên.
Anh/chị đã từng gặp rắc rối gì khi còn đi học?
Học môn học mình không thích và phải thi lại.
Anh/chị yêu thích ca sĩ hoặc ban nhạc nào?
Không cụ thể về ca sĩ nhưng thích nghe nhạc nhẹ.
Anh/chị thích ăn món gì nhất?
Các món ăn của miền Trung.
Cho đến hiện tại, điều thú vị nhất mà anh/chị đã làm từ khi trở thành nhà khoa học là gì?
Công việc nghiên cứu của mình được thế giới biết đến qua các công bố khoa học.
-
Các bình luận của bạn